12 Sep
12Sep

1. Nền móng của ngôi nhà - Niềm hạnh phúc đích thực. 

Hạnh phúc là một cảm giác rất tuyệt vời, rất thôi thúc mà không ai có thể cưỡng lại được. Dù bạn có nhận ra hay không thì tất cả những nỗ lực của bạn đều hướng đến một mục đích cuối cùng chính là được hạnh phúc.

Làm thế nào để ta có thể hạnh phúc thật sự?

Vì sao có những người hạnh phúc hơn những người khác?

Khoảng 50% giới hạn hạnh phúc của con người là có sẵn, phần còn lại là do chúng ta tích lũy. Điều này có nghĩa là một nửa xúc cảm hạnh phúc của bạn có được là vốn trời cho, một nửa còn lại là bạn đúc kết được từ những trải nghiệm trong cuộc sống của mình. 50% giới hạn hạnh phúc được quy định do kiểu gen. 50% còn lại: chỉ 10% trong số đó là phụ thuộc vào những yếu tố như: sự giàu có, tình trạng hôn nhân và công việc. Còn lại 40% cuối cùng là kết quả của những suy nghĩ, cảm giác, ngôn từ và hành động của con người. Điều này giải thích vì sao bạn có thể nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình. Mọi việc cũng giống như bạn điều chỉnh bộ ổn nhiệt để tìm cảm giác ấm áp trong một ngày đông lạnh lẽo vậy: bạn hoàn toàn có khả năng gia tăng giới hạn hạnh phúc của mình để đạt đến hạnh phúc mỹ mãn. 

Hanh phúc tự thân: Đây mới chính là hạnh phúc trọn vẹn – một cảm giác ấm êm, thanh thản và yên ả từ sâu thẳm tâm hồn. Đó là một cảm giác bình yên mà không có điều gì bên ngoài có thể chi phối được. 

Hạnh phúc đích thực không phải là cảm xúc hân hoan, thích thú hay những phút giây tuyệt đỉnh kéo dài không bao giờ phai nhạt. Và cũng không phải chỉ với một nụ cười mãn nguyện hay cảm xúc thăng hoa trong bất chợt là có thể biểu trưng được cho nó. Sự thật là khi bạn có được niềm hạnh phúc này, đừng ngạc nhiên vì ở bạn vẫn tồn tại những cảm xúc tiêu cực của nỗi buồn, sự sợ hãi, tức giận và thậm chí cả đớn đau nữa – nhưng từ trong tâm hồn, bạn vẫn cảm nhận được sự thanh thản và bình yên đến tuyệt đối.

Hạnh phúc đích thực - những xúc cảm tự nhiên 

Rèn luyện để có được hạnh phúc 

Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng ít nhất 90% cách hành xử của con người đều do thói quen hình thành nên. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những thói quen của mình để tiến gần đến hạnh phúc. Khi bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo những cách khác nhau thì não bộ cũng thay đổi theo và tự điều chỉnh tương ứng. Dựa vào những thông tin chúng ta đã biết về tính linh hoạt của não bộ thì chúng ta có thể xem những xúc cảm như hạnh phúc, đam mê là những kỹ năng mà con người có thể kiểm soát và rèn luyện – cũng đơn giản như khi bạn tập chơi một loại nhạc cụ hay một môn thể thao nào đó... 

Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta luôn cảm nhận được hạnh phúc cho dù bất cứ điều gì xảy đến? 

Một khi nắm giữ hạnh phúc đích thực – niềm hạnh phúc tự thân – bạn sẽ mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến với mọi người hơn là thụ động ngồi chờ ai đó ban tặng cho bạn. 

Để có được hạnh phúc thực sự, bạn chỉ cần nhớ rằng hạnh phúc đang hiện hữu ngay trong lúc này – ở hiện tại – chứ không phải tại một thời điểm nào đó trong tương lai. 

Ba nguyên tắc để có hạnh phúc đích thực: 

- Điều gì khiến bạn mở lòng sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn:  Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hay không từ chính những hành động của mình. Một khi rèn luyện những thói quen tốt, chúng ta sẽ từng bước nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình và hạnh phúc đích thực sẽ không còn xa tầm với của chúng ta nữa. 

-  Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn: tin tưởng rằng thế giới là nơi tốt đẹp dành cho mỗi người và nó sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai khi có nhu cầu. Điều làm tôi ngạc nhiên và ấn tượng nhất là những người này không chỉ xem thế giới là nơi tốt đẹp để sống mỗi khi nó mang lại cho họ niềm vui. Ngay cả khi đối mặt với thử thách trong cuộc sống, họ không phản ứng lại bằng cách than vãn hay chỉ trích. Một khi bạn nhìn thẳng vào thực tế và chấp nhận rằng có những việc mình không thay đổi được, khi đó bạn có thể khơi thông nguồn năng lượng bên trong bản thân và đủ sáng suốn để xử lý mọi tình huống xảy ra tiếp theo. Tin tưởng vào một thế giới thân thiện và đầy phép màu là một quan niệm sống cần được nuôi dưỡng và duy trì – nó sẽ giúp con người cảm nhận được sự bình yên và thanh thản. 

- Những điều bạn trân trọng đều đáng được trân trọng: Nguyên tắc này dựa trên Luật hấp dẫn - có nghĩa là bất kể bạn nghĩ gì, nói gì hay làm gì thì nó cũng tác động trở lại chính bạn như sức hút của một thỏi nam châm. Bất cứ khi nào bạn trân trọng niềm hạnh phúc đang hiện hữu trong bạn thì xúc cảm hạnh phúc đó sẽ được tăng lên.  Luật hấp dẫn nói rằng: con người chủ động phủ lên cuộc sống của mình sắc màu hạnh phúc hơn là nỗ lực đi tìm kiếm nó từ những yếu tố bên ngoài. 

Con đường ngắn nhất dẫn bạn đến một cuộc sống tốt đẹp không muộn phiền được nuôi dưỡng bằng những xúc cảm hạnh phúc của bạn trong hiện tại. Đó là cách nhanh nhất giúp bạn có được những gì mình ao ước cũng như khơi nguồn mạch cảm xúc trong bạn, để bạn đóng góp cho thế giới này càng nhiều những trải nghiệm đẹp và đáng nhớ. Bạn lưu giữ những mong ước của mình vào ký ức và thế giới xung quanh sẽ là nơi phản ánh chúng, đó cũng là nơi suy nghĩ kết tinh thành hành động. Vì vậy, bạn hãy lập trình cho mình những suy nghĩ và tư tưởng hướng về hạnh phúc. 

Khi tâm trạng thoải mái thì năng lượng bên trong sẽ tạo ra một công năng giúp đưa bạn tiến gần hơn tới những mục tiêu của mình. Chìa khóa dẫn đến hạnh phúc không phải là sự trông chờ cuộc sống sẽ mang đến những gì cho ta. Luật hấp dẫn sẽ phát huy cao nhất tác dụng khi bạn ứng dụng nó vào một mục tiêu đặc biệt – một mục tiêu sẽ dẫn đến mọi mục tiêu còn lại – đó chính là con đường hướng đến niềm hạnh phúc tự thân. 

Áp dụng phương pháp này vào cuộc sống:  

1. Ý định: những dự định của bạn cần phải rõ ràng, tức là bạn đang yêu cầu, khao khát hạnh phúc ở mức độ cao hơn. 

2. Sự chú tâm: bất cứ việc gì có sự chú tâm đều mang lại kết quả tốt. Hãy đặt sự chú tâm của bạn vào mục tiêu hạnh phúc và rèn luyện những thói quen tốt mỗi ngày. 

3. Bình an: hãy thư giãn và nghỉ ngơi. Trong lúc rèn luyện, hãy thả lỏng cho tinh thần không còn căng thẳng và tin rằng mình đang từng bước phá bỏ những rào cản để vươn đến giới hạn cao nhất của hạnh phúc. 

Để hạnh phúc, bạn cần: 

1. Chấp nhận: bạn phải thừa nhận hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người và hãy tin bạn có đủ khả năng và sức mạnh để có được hạnh phúc đích thực chỉ bằng việc thay đổi những thói quen chưa tốt của mình. 

2. Nhận lấy trách nhiệm: chính là khả năng bạn phản ứng trước mọi biến cố xảy đến với mình theo cách nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến hạnh phúc. 

Đầu tư thời gian và lòng tin vào mục tiêu “mình sẽ hạnh phúc hơn” cũng giống như khi bạn tiến hành một chế độ ăn kiêng hay luyện một bài tập: bạn không thể hoàn thành nó trong một sớm một chiều mà đòi hỏi bạn phải kiên trì và quyết tâm. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều không hay, là đa phần mọi người đều chú tâm vào việc chọn mua một chiếc xe mới hơn là quan tâm mình có hạnh phúc không và làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc hơn. 

Khả năng phản ứng: Đây được xem là khả năng ứng phó của bản thân trước những việc xảy đến với chúng ta, Những người sử dụng niềm hạnh phúc tự thân biết cách kiểm soát và giải quyết mọi việc xảy đến với họ. Nếu không thể thay đổi được ngoại cảnh, họ sẽ tự thay đổi cách phản ứng của mình trước sự việc đó. 

Mỗi khi bị mắc kẹt trong một tuyến đường giao thông chằng chịt, bạn hãy dành ít phút để quan sát xung quanh. Bạn sẽ thấy có một số người giận dữ, quát tháo những chiếc xe khác hay tay nắm chặt vô-lăng không rời; trong khi đó vẫn có những người khác bình thản lắng nghe bản nhạc trên radio và nghêu ngao hát với tâm trạng thoải mái. Điều đó cho thấy tuy cùng một sự việc nhưng mỗi người có một cách phản ứng khác nhau. 

Một khi hài lòng với cách giải quyết vấn đề của mình, bạn sẽ có cơ sở đưa ra những quyết định sáng suốt, tích cực hơn vào lần tiếp theo. Đây là một bước tiến lớn đối với mỗi người, nó có thể giúp bạn từ một nạn nhân trở thành người chiến thắng. 

Con người có thể bị tước đoạt mọi thứ ngoại trừ sự tự do – sự tự do lựa chọn cách sống, lựa chọn con đường đi riêng cho mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và bằng những cách riêng của mỗi người”. 

Chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh trong quá khứ bằng việc nhận thức sức mạnh diệu kỳ của hiện tại. Con người thường bị ám ảnh rằng quá khứ có sức mạnh hơn hiện tại – điều này hoàn toàn đi ngược với sự thật. Chúng ta đã quá quen với suy nghĩ mình là nạn nhân của người khác và những tổn thương mình đang chịu đựng cũng là do trước đây họ gây nên. Sự thật là hiện tại tiềm ẩn một sức mạnh rất lớn. Một khi nhận ra, bạn sẽ hiểu rằng không ai khác mà chính bản thân bạn phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Quá khứ chỉ là một bức màn che phủ lên hiện tại. 

Sau đây là một số thói quen xấu mà bạn cần nhận diện để loại bỏ, đồng thời hình thành những thói quen mới để có một tương lai tươi sáng hơn. 

Phàn nàn: Than phiền, cảm thấy thương hại bản thân, cố gắng tìm kiếm sự cảm thông từ người khác, mang niềm tin thái quá hoặc bất bình vì không được đối xử công bằng… những dấu hiệu này cho thấy bạn đang sa lầy trong tiếc nuối và thất vọng cùng cực. Bạn tập trung vào điều gì thì điều ấy sẽ hướng về bạn, bạn càng lo lắng than phiền thì lại càng lôi kéo những xúc cảm tiêu cực đó về mình và càng làm tăng tính trầm trọng của vấn đề. 

Đổ lỗi: Bạn quy những sự việc xảy ra là nguyên nhân gây nên tổn thương cho chính mình. Thay vì tập trung năng lượng và sức lực để tìm cách giải quyết những vấn đề đó, thì bạn lại tổn hao tâm sức cho những suy nghĩ không có căn cứ. 

Tự ti: Khi tự buộc tội bản thân, cảm thấy xấu hổ, tự ti về những chuyện đã qua hoặc mang cảm giác tội lỗi vì những việc đã làm (hay không làm), chúng ta thường nén nỗi đau và chôn chặt những cảm xúc đó vào cõi sâu kín nhất trong tâm hồn. Điều này góp phần triệt tiêu hết nguồn năng lượng của chúng ta và khóa chặt con đường tiến tới niềm hạnh phúc đích thực. Cố gắng thoát khỏi những xúc cảm tiêu cực này là cách tốt nhất giúp bạn quay về con đường theo đuổi hạnh phúc đích thực. 

Không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi những thói quen xấu của mình bằng những thói quen tốt hơn. Bất cứ khi nào bạn muốn, bạn đều có khả năng thay đổi cuộc sống của chính mình ngày một tươi vui hơn. Sau đây tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 thói quen tốt giúp bạn đạt được hạnh phúc đích thực: 

1. Tập trung giải quyết vấn đề: Nếu bạn không thích thứ gì, hãy thay đổi nó. Nếu bạn không thể thay đổi nó, hãy thay đổi phản ứng của bạn trước nó. Đừng bao giờ than phiền hay chỉ trích. Tự vạch ra cho bản thân một mục tiêu và định hướng con đường thực hiện nó.

Phương pháp tập trung giải quyết vấn đề: 

- Ghi ra vấn đề cần giải quyết.

- Dấu hiệu đầu tiên nào cho thấy vấn đề ấy khiến cho cảm xúc của bạn tồi tệ.

- Bạn nghĩ mình có thể làm gì, dù là những việc nhỏ thôi, để trong vòng vài ngày tới, bạn nâng cao sự hài lòng của mình về vấn đề đó? 

- Hãy bắt đầu tiến hành những việc làm mà bạn đã nêu ở câu 4 và chờ đợi sự đổi thay trong các đánh giá của bạn, đồng thời tiếp tục duy trì những việc bạn đang làm mà bạn cho là sẽ giúp ích cho quá trình này. 

2. Đón nhận những món quà từ cuộc sống

Những năm tháng đáng nhớ nhất và có ý nghĩa nhất trong đời là khoảng thời gian bạn tự chủ và kiểm soát được những vấn đề của mình. Bạn không đổ lỗi cho số phận hay cho bất kỳ ai. Bạn là người chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình. 

Đơn giản có lẽ vì cô không cho phép mình là một nạn nhân. 

Chẳng ai có thể tự nhốt mình trong phòng rồi sau đó cảm thấy hạnh phúc và tốt hơn lên. Sự thực là cuộc sống còn rất nhiều điều để chúng ta theo đuổi, mà hơn hết đó chính là theo đuổi hạnh phúc, sự thanh thản và yên bình. 

Việc bạn quyết định trân trọng những bài học hay món quà vô giá mà cuộc sống mang lại thay vì mặc cảm và tự ti trong vỏ ốc của chính mình là một quyết định đúng đắn nhất. Bạn không phải quan tâm phán xét vấn đề hiện tại của mình là tốt hay xấu. Thay vào đó, hãy tin rằng mỗi biến cố trong đời đều mang lại cho bản thân chúng ta một bài học và một món quà diệu kỳ từ cuộc sống, ngay cả khi rất khó để nhận ra chúng. 

Khi cuộc sống diễn ra không như mong muốn thì bạn cũng hãy tin rằng nó như thế là vì nó đang hướng đến một mục đích tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng: cả thế giới đều sẵn sàng giúp bạn. Suy nghĩ này giúp bạn sống lạc quan và cứ sau mỗi bước chuyển mình, bạn sẽ thấy mọi việc dễ dàng và tốt đẹp hơn. 

3. Duy trì sự thanh thản và bình yên cho tâm hồn 

Chúng ta không bao giờ tìm được sự bình yên với thế giới bên ngoài một khi nội tâm chưa thật sự tĩnh lặng. 

Cũng giống như nhiều người khác, cuộc sống của bạn không thể tránh khỏi những phút giây ngoài ý muốn, vậy lúc ấy bạn có tự buộc tội bản thân? Để có được một tâm hồn yên bình tuyệt đối, bạn cần giải phóng nguồn năng lượng bên trong mình bằng cách đối mặt với những cảm giác mà bạn đang trốn tránh và hãy để quá khứ ngủ yên. Khi đó, cuộc sống của bạn sẽ tiếp tục vận hành về phía trước đồng thời mở ra trước mắt bạn một chân trời mới đầy tình yêu và hạnh phúc. 

4. Cột trụ của tinh thần - Đừng tin vào những suy nghĩ chủ quan 

Vạn vật không thay đổi; chỉ có con người đổi thay. 

Tâm trí có thể tạo nên địa ngục trong thiên đàng, thiên đàng trong địa ngục. 

Tâm trí con người là tổng hòa của những dòng suy nghĩ và niềm tin, thêm vào đó là những đoạn độc thoại, những đoạn tự vấn lương tâm mà thông thường, chúng ta đều để chúng ở chế độ “tự động”. Để ngăn cản những suy nghĩ không tốt khiến bạn phải mệt mỏi hay chán chường, bạn hoàn toàn không cần cố gắng từ bỏ chúng vì có một cách đơn giản hơn rất nhiều. Bí mật ở đây chính là bạn phải chấp nhận một sự thật: Những suy nghĩ của bạn không phải luôn luôn đúng. 

Bạn có tin vào những điều người khác nói? Bạn tin vào những điều mình đọc được? Trong thời buổi kỹ thuật và công nghệ tiến bộ không ngừng, những điều bạn thấy chưa hẳn đã là sự thật. Vì vậy...  Đừng vội tin vào tất cả những gì bạn nghĩ khi thoạt quan sát một điều gì đó.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra chúng ta phải nuôi dưỡng khá nhiều những ý nghĩ tích cực mới có thể loại bỏ một ý nghĩ tiêu cực. Giống như khi bạn nhận được mười lời khen và một lời góp ý, bạn sẽ lưu tâm đến bên nào hơn? Đa phần mọi người sẽ dằn vặt bản thân hàng giờ liền chỉ vì một lời góp ý và vô tình phủ nhận tất cả những thông điệp động viên. 

 Khi bạn tập trung hướng về những điều tốt đẹp, lập tức những rãnh tiêu cực trên não sẽ thu nhỏ lại đồng thời mở đường cho những rãnh tích cực hằn sâu hơn. 

Thay vì bị nhồi nhét bởi những suy nghĩ tiêu cực và phản ứng lại bằng cách chống trả hay trốn tránh, những người hạnh phúc biết tận dụng trung khu thần kinh não của mình để tạo ra những thói quen cho phép họ phản hồi vấn đề một cách dễ dàng hơn. Những người có hạnh phúc đích thực thường: 

• Hoài nghi với những ý nghĩ tiêu cực, họ đặt vấn đề với chúng và mổ xẻ nghiên cứu chúng khi cần. 

• Không chống lại những ý nghĩ tiêu cực đó. Họ biết bộ não có xu hướng nghiêng về chúng nên họ tin mình có thể kiểm soát và dần dần vượt qua. 

• Củng cố, bồi đắp những ý nghĩ tích cực và tận hưởng những trải nghiệm đẹp từ thái độ tích cực. 

Ba thói quen hạnh phúc giúp bạn hình thành những rãnh mới trên não và phản hồi mọi việc một cách linh hoạt hơn: 

1. Tự vấn về những suy nghĩ của bản thân:

Những suy nghĩ đến rồi sẽ đi, những mối quan hệ cũng thế. Đừng níu giữ những câu chuyện do mình “sáng tạo” ra mà không đem lại niềm hạnh phúc thực sự cho bản thân.  

Con người không bị làm phiền bởi những chuyện xảy đến với họ mà chính là do những suy nghĩ của họ về những chuyện đang diễn ra. Quả thật, sự khổ đau, dằn vặt luôn là hệ quả của những suy nghĩ không căn cứ. 

Một khi đã quen với việc tự vấn những suy nghĩ của bản thân thì bạn sẽ nhận ra bạn không cần cố gắng kiểm soát tâm trí hay cố xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Thời gian trôi qua, chúng sẽ tự động mất đi. Tâm trí bạn trở nên thư thái, yên bình giúp làm tăng xúc cảm hạnh phúc trong bạn. 

Phương pháp tự vấn suy nghĩ của bản thân:

1. Suy nghĩ này có đúng không? 

2. Bạn có biết là nó đúng hay không? (Bạn có thật sự biết nó mang lại kết quả tốt cho bạn và cho mọi người?) 

3. Bạn phản ứng thế nào khi tin vào suy nghĩ đó? 

Chuyện gì xảy ra? (Bạn đối xử với bản thân mình thế nào và người khác thế nào khi tin vào suy nghĩ đó?) 

4. Nếu không có suy nghĩ này bạn sẽ như thế nào? (Cuộc sống của bạn ra sao nếu bạn không tin vào suy nghĩ đó?) 

2. Vượt qua rào cản tinh thần và tiến về phía trước:

Con người chúng ta cũng thường rơi vào trường hợp: bị dìm trong vô vàn những ý nghĩ tiêu cực chỉ vì chúng ta không chấp nhận buông bỏ chúng. Càng cố níu giữ, chúng càng bám chặt và làm phiền bạn. 

3. Hướng tinh thần đến niềm vui và hạnh phúc: 

Cuộc sống của tôi thật tuyệt vời! Tôi nuôi dưỡng ước mơ và giờ đây, nó đã thành hiện thực. 

Con người vốn dĩ có xu hướng nghiêng về những suy nghĩ không tốt, những ý nghĩ tiêu cực, vì thế chúng ta đã mặc nhiên chăm lo và nuôi dưỡng cho “con sói không hạnh phúc”. Khi bộ não xa rời những suy nghĩ tích cực thì hạnh phúc cũng vì thế mà rơi đi mất. Để có được hạnh phúc, ít nhất chúng ta cần giữ được trạng thái cân bằng và việc này hoàn toàn có thể thực hiện bằng cách hướng tâm trí của chúng ta đến niềm vui và hạnh phúc. 

Tôi nhìn vào mắt mình trong gương và nói: “Tôi tự hào vì mình...”. Tôi liệt kê những điều mình đã và đang có. Từ giờ phút ấy, tôi đã nhìn mình bằng một đôi mắt khác – đôi mắt thấy rõ những điều tốt đẹp trong tôi và muốn tôn vinh chúng. Nhận ra những điều tốt của bản thân và biết trân trọng chúng đã giúp tôi lấy lại niềm vui sống và yêu thương mọi người hơn. 

Trân trọng những điều đang có:

Để hướng tâm trí đến niềm vui, bạn hãy trân trọng những phút giây hạnh phúc bạn có được. Hãy nghĩ về những điều khiến bạn cảm thấy yêu thương và quý trọng bản thân mình hơn: những suy nghĩ tích cực - tất cả những gì bạn nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy mang lại cho bạn niềm vui; hay một phút giây hân hoan trong chiến thắng, một khám phá mới trong nhận thức hay cảm giác ngưỡng mộ vì khả năng sáng tạo của bản thân... 

Một khi bạn nhận ra điều gì là đáng trân trọng, hãy dành thời gian để nuôi dưỡng và phát huy nó. Đừng bó hẹp cảm xúc của mình, đừng xem đây chỉ là một cuộc khảo sát tinh thần mà hãy để nó được tự do tuôn tràn trong mạch cảm xúc. Nếu có thể, bạn hãy dành khoảng ba mươi giây để làm nóng xúc cảm hạnh phúc của mình. 

Một trong những cách hữu hiệu mà tôi tìm ra nhằm giúp tinh thần hướng về những điều tốt đẹp là hãy quan tâm, tập trung vào những suy nghĩ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc. Nếu đang rơi vào một tình huống khiến bạn phải chịu nhiều áp lực và những suy nghĩ không hay, bạn hãy bình tĩnh và tìm ra một suy nghĩ tích cực tương đương để dung hòa lại tinh thần mình – và hãy tập trung vào nó. 

Những món quà hạnh phúc thường ngày:

1. Mỗi ngày, bạn hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt lạc quan và bao dung. 

2. Phát huy tính sáng tạo của mình. Ví dụ: khi bạn nhìn vào những bông hoa, hãy chú ý đến những loại có màu sắc đặc biệt nhất hay có sức sống bền bỉ nhất và bạn có thể gán cho nó những cái tên theo cách riêng của bạn. 

3. Khích lệ người thân, bạn bè cùng tham gia vào trò chơi thú vị này và chia sẻ những món quà mọi người đã nhận được vào cuối mỗi ngày. 

Bảng tóm tắt các bước để có được hạnh phúc tinh thần; 

1. Khi bạn bắt gặp mình đang có một suy nghĩ tiêu cực, hãy kiểm tra tính trung thực và sự chính xác của nó bằng bài tập “Tự vấn”. 

2. Áp dụng bài tập đứng trước gương để nhận thức rõ giá trị của bản thân mỗi ngày một lần trong ít nhất là một tuần, lý tưởng nhất là kéo dài trong 21 ngày. 

3. Mỗi ngày, không ngừng tìm kiếm những điều tốt đẹp từ cuộc sống để hướng tinh thần đến sự lạc quan và niềm vui. 

4. Rèn luyện thói quen tập trung vào những suy nghĩ giúp bạn cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. 

5. Cột trụ của con tim - Hãy để tình yêu lên tiếng 

Trong con người tồn tại một nơi thiêng liêng sâu kín nhất.  Bên trong nó ta sẽ tìm thấy một khoảng bình yên thật sự. Đó là nơi sự sống bắt đầu và là nơi bao hàm cả một vũ trụ rộng lớn: có mặt trời, mặt trăng, có những vì sao, có lửa, có gió và những tia chớp – tất cả đều gói gọn ở một nơi – chính là trái tim của con người.

Yêu thương và sợ hãi 

Cảm xúc của con người có thể được chia làm hai loại cơ bản: yêu thương và sợ hãi. Những xúc cảm yêu thương như: lòng biết ơn, sự tha thứ, lòng thương người – sẽ được thể hiện trên biểu đồ nhịp tim bằng một đường dợn sóng đều đặn và liên tục. Ngược lại, những xúc cảm như sợ hãi, giận dữ, buồn phiền và mặc cảm sẽ tạo nên trên biểu đồ một đường ngắt quãng. Trong con người tồn tại song song hai loại tình cảm này – và theo đó chúng sẽ quyết định bạn có hạnh phúc hay không. 

Cách giúp bạn xây dựng hạnh phúc cho trái tim: 

1. Hướng về lòng biết ơn 

Nếu lời nguyện cầu duy nhất bạn thốt lên trong suốt cuộc đời mình là “Xin cám ơn” thì cũng đã đủ rồi. 

Đã bao giờ bạn cảm nhận trái tim mình ngập tràn lòng biết ơn? Bạn đã bao giờ dang rộng vòng tay và tỏ bày với ai đó câu: “Cám ơn, cám ơn rất nhiều”? Và trong một ngày, ý nghĩ biết ơn và mong muốn được bày tỏ lòng cảm kích với người khác xuất hiện trong bạn bao nhiêu lần? 

Marc luôn trả lời một cách vui vẻ: “Hạnh phúc luôn hiện hữu trong trái tim tôi – ngay cả khi tinh thần tôi bị tổn thương nhất. Những mất mát, tổn thương không bao giờ có thể cướp đi được hạnh phúc trong tôi”. 

Bạn cần phải biết trân trọng và nuôi dưỡng lòng biết ơn nếu muốn có một cuộc sống ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. 

Phương pháp tinh thần rất tốt giúp bạn nối kết với trái tim mình để giải phóng những căng thẳng, mệt mỏi và cân bằng lại cảm xúc. 

Bước 1: Tập trung

Tập trung sự chú ý vào tim mình. Nếu muốn, bạn có thể đặt nhẹ bàn tay mình lên ngực trái. Trường hợp bạn đang mông lung suy nghĩ về một chuyện khác, hãy từ từ thay đổi sự chú tâm của bạn vào hơi ấm trái tim mình. 

Bước 2: Hô hấp tim 

Khi đã đặt hết sự chú tâm vào trái tim, bạn hãy tưởng tượng hơi thở mình đang được vận hành ở đó. Việc này giúp bạn vững tinh thần đồng thời cân bằng lại nhịp tim và nhịp thở. Hãy hít thở nhẹ nhàng, chầm chậm cho đến khi bạn cảm thấy thật sự thoải mái, thư giãn. Cố gắng duy trì nhịp thở đó. 

Bước 3: Cảm nhận 

Cùng lúc với việc duy trì nhịp thở, hãy hồi tưởng một cảm giác tích cực bạn từng trải qua. Hãy thử cảm nhận lại xúc cảm đó: có thể là cảm giác trân trọng hay yêu quý một người nào đó, một con thú cưng chẳng hạn, hay một nơi bạn yêu thích, một hoạt động nào đó bạn quan tâm. Hãy mở lòng và để cảm xúc tự do tuôn tràn. Nếu cảm xúc còn khô cứng, bạn hãy thử tìm kiếm một ý nghĩ hay sự quan tâm nào đó về nó. Sau khi đã trải nghiệm cảm xúc trọn vẹn, bạn hãy tiếp tục duy trì nó bằng cách tập trung vào nhịp thở, nhịp tim và cảm xúc của mình.  

2. Rèn luyện lòng bao dung 

Tha thứ là cung bậc cao nhất của tình yêu. Biết tha thứ, bạn sẽ có một tâm hồn hạnh phúc và bình yên. 

Tha thứ không phải là một điều dễ dàng, nhất là khi bạn bị ai đó làm tổn thương. Nhưng vết thương lòng sẽ khó lành nếu bạn chưa biết tha thứ. Nhiều người nghĩ rằng ghét bỏ, giận dữ và căm phẫn đối với người đã làm mình tổn thương là một cách để trừng phạt họ. Chúng ta thường cho rằng những cảm xúc này là cần dành cho đối phương, để họ phải cảm thấy đau khổ, hối hận vì những việc đã làm. Nhưng có một sự thật là: không ai khác mà chính chúng ta đang tự hủy hoại mình, đang tự cứa sâu vào vết thương vốn dĩ vẫn còn rỉ máu trong tim. Một khi biết tha thứ, vết thương sẽ dần liền da và bạn lại có thể để tình yêu làm chủ. Nó như cơn gió mùa xuân tắm mát tâm hồn bạn và cuốn đi hết những hận thù bạn hằng chất chứa. 

3. Nuôi dưỡng tình yêu thương và biết quý trọng mọi người thói quen thứ nhất cho hạnh phúc con tim 

Đừng tự thương hại bản thân mà cô hãy tập trung giúp mọi người xung quanh được hạnh phúc.

Một ngày nọ, tôi đi mua sắm và đang đứng xếp hàng đợi đến lượt mình thanh toán thì một người phụ nữ bước đến sau tôi, vẻ mặt cô khá khó chịu. Có lẽ cô vừa trải qua một ngày không vui, cô nhìn mọi người xung quanh với ánh mắt ngờ vực và bất cần. Xe hàng của cô chất đầy. Tôi quay sang nói với cô ấy: 

- Hình như cô đang vội. 

Thoáng chút ngạc nhiên trước lời nói của tôi, cô trả lời ngắn gọn: - Vâng. 

- Vậy tôi nhường chỗ cho cô đây. 

Cô ấy nhìn vào chiếc xe chỉ có vài món hàng của tôi và nhanh chóng lắc đầu: 

- À thôi, không sao đâu.

- Tôi nói thật đấy. Tôi không vội, cô cứ lên trước đi. Giây phút đó thật đáng nhớ. Những nét căng thẳng trên gương mặt người phụ nữ như được giãn ra, trông cô không còn vẻ khó chịu, cáu bẳn như lúc mới vào nữa. Cô vòng xe hàng lên trước và không quên lời cám ơn tôi, cám ơn anh nhân viên thanh toán, và khi cô bước khỏi cửa hàng, nụ cười đã hiện diện trên gương mặt cô. Chợt tôi nhìn quanh và thấy mọi người đang mỉm cười với mình. Một vài người còn nói: “Cô thật tử tế”, “Chúc cô ngày mới tốt lành”. Và tôi cảm nhận một không khí nhẹ nhàng, vui vẻ đang len lỏi vào mỗi người chúng tôi.

6. Cột trụ của cơ thể - Những tế bào khỏe mạnh 

Một trí óc lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện sẽ đong đầy niềm hạnh phúc đích thực từ cuộc sống. 

Hạnh phúc không đơn giản chỉ là những giây phút thăng hoa của cảm xúc mà sự thực cơ thể chúng ta cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng hạnh phúc. Trạng thái hạnh phúc của con người là kết quả của tổng hòa các hóa chất được tiết ra từ cơ thể và não bộ nhằm củng cố và bồi đắp xúc cảm tinh thần đó. 

Bộ não chúng ta chứa rất nhiều chất giúp tăng cường xúc cảm hạnh phúc như: endorphin (chất giảm đau mạnh gấp ba lần so với morphine), serotonin (chất giúp chống căng thẳng và mệt mỏi), oxytocin (dịch tiết liên kết) và dopamine (chất tạo sự tỉnh táo và vui vẻ). Tất cả chúng đều chờ đợi và sẵn sàng được phóng thích vào mọi cơ quan, mọi tế bào trong cơ thể bạn. Kho dược liệu của bộ não luôn đầy ắp, do vậy, bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể yêu cầu và được đáp ứng tất cả các loại dược liệu theo nhu cầu. Một khi cơ thể được nuôi dưỡng bằng những “dược liệu hạnh phúc”, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc. 

Nếu cơ thể con người vốn dĩ được tạo ra là để cảm nhận hạnh phúc, vậy sao chúng ta không dễ dàng tận hưởng niềm hạnh phúc đó? Bạn thử nhìn lại cuộc sống của mình xem: chúng ta đa phần đều dành hết thời gian, sức lực cho công việc mà xem thường cơ thể. Một cuộc sống bận rộn với những bữa ăn vội, không chú ý rèn luyện thân thể, cũng như không quan tâm đến chế độ nghỉ ngơi hợp lý là nguyên nhân gây nên sự mất cân bằng trong cơ thể. Cơ thể không khỏe mạnh thì tinh thần chúng ta cũng không thể sẵn sàng đón nhận hạnh phúc. 

Hạnh phúc là một xúc cảm rất tốt cho cơ thể. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra các hoạt động thường ngày như ca hát, nghe nhạc, vuốt ve thú cưng, xoa bóp thư giãn, làm vườn hay thể hiện tình yêu thương qua cái ôm nồng nhiệt... đều có tác dụng kích thích não bộ tiết ra các dịch tiết hạnh phúc. Thậm chí một nụ cười cũng có thể làm tăng giới hạn hạnh phúc. Một cuộc nghiên cứu kéo dài hai thập kỷ đã đưa ra kết luận: cảm giác hài lòng, mãn nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể. Thói quen tập luyện thể chất hằng ngày có tác dụng phóng thích năng lượng và gia tăng cảm xúc hạnh phúc trong ta. 

Thói quen mang lại hạnh phúc cho cơ thể: 

1. Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể 

2. Tiếp năng lượng cho cơ thể 

3. Lắng nghe những thông điệp của cơ thể 

7. Cột trụ của tâm hồn - Kết nối tâm hồn 

Có nhiều cách để bạn nối kết với tâm hồn. Rèn luyện những thói quen sau sẽ giúp bạn thực hiện điều này một cách dễ dàng hơn. 

1. Chủ động kết nối tâm hồn 

Con người cũng cần tĩnh tâm để chạm đến phần sâu thẳm tâm hồn mình.

Tôi nhắm mắt, cảm nhận làn gió khẽ lướt trên da thịt mình và trong tiềm thức, tôi bắt đầu lặp lại câu thần chú. Hương trầm tỏa ra thơm ngát cả căn phòng và những cánh hoa hồng khẽ rơi trên nền đất. Hãy cảm nhận sự tồn tại của chúng và đừng phán xét hay tin tưởng gì vào chúng cả. Lúc này, tôi cảm giác mình giống như một túi trà được ngâm vào ly nước nóng. Tôi cảm nhận mình đang hòa tan vào vô tận. Khi tôi tĩnh tâm, không còn một suy nghĩ nào có thể thoáng qua tâm trí tôi nữa. 

Sau một lúc – không thể nói chính xác là bao lâu – tôi gần như mất phương hướng. Tách trà mà tôi hình dung chính là hiện thân của những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi cảm nhận tôi và tâm hồn hòa vào nhau – một cảm giác rất quen thuộc, an toàn.  

Tôi lĩnh hội trọn vẹn cảm giác tinh khiết, trong lành mà chưa bao giờ tôi có dịp trải nghiệm trước đây. Không một mục đích, một cái tôi hay suy nghĩ nào tồn tại cả. Chỉ là tôi đang ở đây và đang hiện hữu. Ngoài ra, không còn điều gì khác có thể chi phối. Tôi đã cảm nhận hạnh phúc tràn ngập trong trái tim mình. 

Thiền không phải khi ta góp nhặt từng phần tâm hồn mình với hy vọng đong đầy mà là thả trọn lòng mình vào khối tâm hồn đó và mỗi ngày, ta sẽ cảm nhận được sự hòa quyện đó rõ ràng hơn.

Bài tập thiền định 

1. Tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống và nhắm mắt lại. 

2. Hít thở sâu 5 đến 6 lần, tập trung vào hơi thở mỗi khi bạn hít vào hay thở ra. 

3. Hình dung một dải ánh sáng trắng chiếu xuyên qua người và thắp sáng tâm trí bạn. 

4. Cảm nhận luồng sáng đó di chuyển xuống cổ và ngực, làm ấm trái tim bạn. Cảm nhận hơi ấm đang lan tỏa khắp lồng ngực. 

5. Tiếp tục hình dung dải ánh sáng đó làm ấm toàn bộ phần thân trên. Sau đó, ánh sáng di chuyển đến chân và các ngón chân, cảm giác ấm áp lan tỏa khắp cơ thể. 

6. Cơ thể bạn đã được thắp sáng và làm ấm. Lúc này, bạn hãy ngồi đó trong khoảng 10 phút và để suy nghĩ tuôn tràn tự do. Đừng cố gắng loại bỏ hay kiểm soát những suy nghĩ đó – chỉ đơn giản là bạn đang cảm nhận sự tồn tại và hiện diện của chúng. Nếu muốn tập trung, hãy để tâm đến nhịp thở của bạn mỗi khi bạn hít vào và thở ra. 

7. Khi bạn đã sẵn sàng kết thúc quá trình thiền, hãy cảm nhận cảm giác yên bình mà bạn đang trải nghiệm. Thư giãn trong chốc lát. Đó là cảm giác của niềm hạnh phúc đích thực. 

8. Từ từ mở mắt và hãy cố gắng duy trì cảm giác tuyệt vời ấy ngay trong những hoạt động thường ngày sau khi quá trình thiền định kết thúc. 

2. Lắng nghe tiếng nói nội tâm 

Chúng ta thường có xu hướng chạy đôn chạy đáo để hỏi người khác mình nên làm gì, phải làm gì khi va vấp, bị tổn thương hoặc cần đưa ra một quyết định nào đó mà quên rằng chính bản thân mình sẽ có lời khuyên đáng tin cậy nhất. Bên trong chúng ta luôn tồn tại một sức mạnh nội tâm có thể thấu hiểu hết tất cả và cũng là nơi thông thái nhất giúp bạn gắn kết với phần sâu kín của tâm hồn mình. Bất kỳ khi nào bạn cần thì nó luôn sẵn sàng giúp bạn. 

Lắng nghe tiếng nói từ nội tâm cho phép bạn nối kết với một sức mạnh siêu nhiên tồn tại ngay trong chính bản thân mình. Bạn có thể đặt câu hỏi cho nó về mục tiêu cuộc đời bạn, về các mối quan hệ hay công việc – bất kỳ điều gì mà bạn muốn có câu trả lời. Thông qua những câu trả lời mang lại cho bạn cảm giác yên bình và mãn nguyện, bạn cảm nhận được sự nối kết đang hiện hữu. 

Có nhiều phương pháp giúp bạn lắng nghe tiếng nói nội tâm: 

Hãy ghi lại: Mỗi khi bạn gặp vấn đề thắc mắc, hãy ngồi xuống và bắt đầu suy ngẫm, sau đó ghi lại tất cả những gì bạn đang nghĩ mà không cần phán xét xem chúng đúng hay sai, chúng như thế nào. Không ai biết chúng ngoại trừ bạn, do vậy, hãy để bạn được là chính mình trong mạch cảm xúc đang tuôn tràn đó. 

Tìm đến một quyển sách: Tìm một quyển sách mà bạn yêu thích, mở một trang ngẫu nhiên và xem bạn nhận được thông điệp gì. Có thể bạn cho cách này không hữu hiệu nhưng tôi đã phát hiện ra phương pháp này mang lại tác dụng tốt hơn bạn nghĩ. Một số người nhận định cách này giúp họ thoát ra khỏi những ý nghĩ cố hữu thông thường và đưa họ đến chân trời của những suy nghĩ, những quan niệm hoàn toàn mới. Đã không ít lần tôi phải ngạc nhiên khi tìm thấy câu trả lời mà tôi đang tìm kiếm nằm ngay trong đó. 

Tìm kiếm những dấu hiệu: Cách này cũng có thể khiến bạn phải tròn xoe mắt ngạc nhiên. Khi tôi còn đang viết dang dở những quyển sách Chicken Soup, tôi ngạc nhiên khi nhận được rất nhiều câu chuyện của mọi người nghi vấn xung quanh các dấu hiệu. Kết quả là cả tôi và người đồng sự mỗi người đều có một tập hồ sơ riêng lưu giữ những câu chuyện như thế. Đa phần những câu chuyện này khá ấn tượng và chúng khiến tôi phải có cái nhìn khác về những dấu hiệu. 

1. Tìm một nơi yên tĩnh và thoải mái, chuẩn bị một cây viết, một tờ giấy và ngồi xuống. 

2. Ở đầu tờ giấy, bạn ghi vào đó câu hỏi hay vấn đề bạn đang cần sự chỉ dẫn. Đừng quên viết ra vấn đề một cách cụ thể. 

3. Nhắm mắt lại và hít thở sâu. 

4. Hãy hỏi miền sâu thẳm trong tâm hồn mình câu hỏi mà bạn vừa ghi ra. Có thể sẽ mất vài phút để bạn thật sự sẵn sàng nhưng khi đã sẵn sàng, bạn hãy mở mắt và bắt đầu ghi lại những dòng suy nghĩ đang ùa về. Không quan trọng là chúng có nghĩa hay không. Hãy viết cho đến lúc tay bạn ngừng chuyển động và đừng đọc lại bất kỳ điều gì trong khi bạn đang viết. 

5. Bây giờ, bạn hãy đọc qua chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên vì những thông điệp sáng suốt ấy đấy. Thậm chí chỉ là một từ, hay một cụm từ cũng có thể là chìa khóa cho câu trả lời. 

3. Tin tưởng vào sự diệu kỳ của cuộc sống 

Khi bạn đã có thói quen hoàn thành những điều bạn có thể làm và tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh siêu nhiên tồn tại trong con người mình, bạn sẽ cảm nhận được trạng thái bình yên tuyệt đối – dấu hiệu cho niềm hạnh phúc đích thực. 

Xúc cảm hạnh phúc trong chúng ta sẽ tăng dần lên một khi chúng ta có niềm tin rằng sự nối kết giữa bản thân mình với thế giới nội tâm sẽ dẫn đường và định hướng cho cuộc sống của mình 

8. Tạo dựng mái nhà - Sống vì một mục tiêu 

Những người hạnh phúc thấy được rằng họ có mặt ở thế giới này là vì một mục đích nào đó. Với từng khoảnh khắc trong cuộc đời, họ đều dâng tràn cảm hứng, sống đầy ý nghĩa và trọn vẹn theo một mục tiêu của riêng mình. Những ai tìm thấy lý tưởng và mục tiêu trong đời mình đều sống hạnh phúc hơn những người không có mục đích rõ ràng. 

Điều quan trọng là dù làm bất kỳ việc gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên để niềm đam mê và mục tiêu dẫn đường.

Bạn nghĩ về những hoạt động bạn tham gia hằng ngày là công việc, nghề nghiệp hay lý tưởng của mình? 

Nếu không được làm công việc mà mình yêu thích, bạn hãy yêu thích công việc đang làm! 

Những người sở hữu niềm hạnh phúc đích thực – hạnh phúc tự thân – dù có đang làm một công việc mà họ không yêu thích đi nữa thì họ vẫn luôn duy trì được niềm tin và lý tưởng trong bất cứ hoàn cảnh nào – thậm chí là ngay trong những công việc tầm thường nhất. Dù là khi thay nhớt xe hay khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, bao giờ họ cũng hài lòng vì biết mình đang hướng đến một mục đích nào đó. 

Trong lúc tìm kiếm một công việc khác, tôi cố gắng khơi dậy sự yêu thích công việc mình đang làm. 

9. Thiết kế khu vườn - Củng cố những mối quan hệ tốt 

Những người bạn tiếp xúc, hay thậm chí là những người bạn thoáng gặp trên đường và tình cờ gật đầu chào đều có một sợi dây nối kết về mặt tinh thần với chúng ta. Bộ não con người gồm những tế bào phản ánh – chúng chịu sự tác động cũng như sự chi phối từ hành động của mọi người xung quanh. 

Cảm xúc của con người rất dễ truyền dẫn từ người này sang người khác. Những xúc cảm tích cực, động viên nếu được lan truyền sẽ mang lại tác dụng tốt, trong khi những xúc cảm như giận dữ, ghen tỵ, lo lắng hay chán ghét khi được lan truyền sẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực cho người nhận. 

Những trải nghiệm của bạn về niềm hạnh phúc đích thực chịu ảnh hưởng khá nhiều từ năng lượng của những người xung quanh. Khi bồi đắp những mối quan hệ tốt đẹp, năng lượng trong bạn được giải phóng. Và ngược lại, những mối quan hệ không tốt sẽ góp phần kìm hãm nguồn năng lượng ấy. 

1. Thắt chặt các mối quan hệ 

Chúng ta cũng có thể thắt chặt các mối quan hệ xung quanh bằng cách dành nhiều thời gian hơn với những người thường động viên, khuyến khích mình và giảm thời gian tiếp xúc với những ai chỉ mang lại cho chúng ta khổ đau và tuyệt vọng. 

Tất nhiên, càng vững tinh thần, càng dễ cảm nhận xúc cảm hạnh phúc, chúng ta càng ít bị chi phối bởi môi trường bên ngoài. Ngay cả khi phải tiếp xúc với một môi trường thiếu lành mạnh, bạn vẫn biết cách tạo ra những giới hạn tương tác cần thiết để mối quan hệ này không đi quá xa có thể kéo bạn sa lầy. 

Một lần, khi tôi đang ngồi chờ xe buýt và vẽ vu vơ vào quyển sổ nháp của mình, một phụ nữ ăn mặc chỉnh tề đã chăm chú nhìn tôi vẽ. Cô nói: 

- Nghe này, cháu nên tham gia vào một lớp vẽ đi. 

- Dạ, cháu biết. Cháu đang theo học một lớp vẽ rồi cô ạ. - Tôi trả lời. 

Người phụ nữ nhìn vào mắt tôi. Cô ấy gật đầu. Chuyến xe của cô đến và cô bước lên xe. Tôi không bao giờ gặp lại cô nữa nhưng tôi luôn nhớ và yêu quý cô. Đó là những cảm giác lạ kỳ và rất tuyệt vời. Càng sống, tôi càng “bắt gặp” nhiều người mà tôi chưa từng biết đến. Và hơn thế, tôi nhận ra sự nối kết giữa chúng tôi: những người lạ tôi gặp, họ dường như cũng “nhận ra” tôi. Trong mắt họ tôi cảm nhận được vô vàn câu hỏi, như thể họ cũng đang tìm kiếm những người thân mất tích trong thế giới rộng lớn này. Và tôi cũng nhận ra vì sao mình lại cảm thấy ấm áp, gần gũi với những người mà tôi hầu như chỉ gặp thoáng qua một lần trong đời.

Hiện tại, tôi hài lòng với khái niệm “gia đình là sự nối kết các tâm hồn với nhau” đến nỗi tôi không ngạc nhiên khi bắt gặp, “nhận ra” những người bố người mẹ mới, anh chị em mới hay con cái mới của mình. Họ xuất hiện trong cuộc đời tôi một cách diệu kỳ. 

Dành thời gian ở bên cạnh những người thân yêu – gia đình, bè bạn – sẽ giúp bạn cân bằng và duy trì được cảm giác hạnh phúc, vì vậy lựa chọn những người ở cạnh mình là một điều rất quan trọng. 

Hãy vận dụng hệ thống định vị riêng của bạn để mở rộng các mối quan hệ với những người tích cực cũng như tăng dần khoảng cách với những người thường mang ý nghĩ tiêu cực. Bạn hãy nhắm mắt, hít thở sâu và hình dung từng người đã đi qua trong cuộc đời mình. Ai trong số họ khiến bạn cảm thấy bình yên, thanh thản khi ở gần và ai khiến bạn cảm thấy mệt mỏi phải tránh xa? 

Nếu bạn luôn phải tiếp xúc hay có quan hệ khá gần với những người bạn muốn tránh xa thì phải xử lý thế nào? Bạn phải thiết lập một giới hạn giữa bạn và những người đó. Chúng ta chỉ cho mọi người cách họ phải đối xử với chúng ta thế nào – bằng cách biết chấp nhận bản thân mình và không buông lơi theo mạch cảm xúc của họ. 

Cố gắng ngăn ngừa tình trạng lan truyền cảm xúc:  

1. Phá vỡ hiệu ứng dây chuyền: Nếu phải giao tiếp với một người đang giận dữ, bạn hãy ý thức rằng bạn nên làm dịu lại ánh nhìn của mình đối với họ, hãy giữ cho cảm xúc của bạn được trung hòa và đừng sử dụng những ngôn ngữ cơ thể theo cách mà họ đang sử dụng. Tuyệt đối không nên chỉ trích hay bị trạng thái căng thẳng của họ tác động vì bạn sẽ bị chi phối bởi tính tiêu cực đó. 

2. Thiết lập một hàng rào chắn: Khi không thể tránh xa hay bị đối phương tấn công dồn dập bằng những cảm xúc tiêu cực: Bạn hãy tưởng tượng một bức tường chắn vô hình dựng lên trước mắt mình hay tưởng tượng một tấm chắn bao bọc xung quanh bạn. Nó sẽ cho bạn cảm giác được bảo vệ và tránh tình trạng những cảm xúc đối phương lan truyền đến bạn. 

3. Là hình mẫu cho người khác: Đừng cố gắng thay đổi người khác. Chúng ta thường nghĩ mình có thể giúp người khác bằng lòng vị tha hay chỉ dẫn cho họ thấy những điểm sai, nhưng điều này lại hiếm khi mang lại kết quả như mong đợi. Cách hiệu quả nhất để tạo ảnh hưởng đến người khác chính là bản thân chúng ta trở thành những hình mẫu cho họ noi theo. 

Cách tốt nhất để giữ cho một mối quan hệ được tốt đẹp, vững bền được gói gọn trong hai từ: trân trọng. Khi chúng ta bày tỏ sự trân trọng đối với những giúp đỡ tận tình của người khác, sự trân trọng đó sẽ bồi đắp cho ta thái độ sống đẹp cũng như vun xới cho mối quan hệ giữa đôi bên. 

Tuy nhiên chúng ta thường không quan tâm hoặc quá ít chú tâm vun xới những mối quan hệ tốt đẹp quanh mình. Chúng ta xem nhẹ nó vì trong thâm tâm luôn mang ý nghĩa mối quan hệ ấy là hiển nhiên, không thể phá vỡ được. 

Một trong những điều quan trọng nhất giúp con người nâng cao xúc cảm hạnh phúc chính là chúng ta hãy biết trân trọng và công nhận những người xung quanh mình. Khi một người được trân trọng, chất dopamine sẽ được tiết ra – đây là một nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp đến xúc cảm hạnh phúc.

Cách tốt nhất để nối kết, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho mọi người – điều được ông gọi là “đong đầy chiếc xô cảm xúc của đối phương”, chính là thông qua sự công nhận và trân trọng một cách chân thành. Một khi “đong đầy chiếc xô cảm xúc của đối phương”, xúc cảm hạnh phúc trong bạn cũng sẽ được bồi đắp nhanh chóng. 

Để củng cố mối quan hệ của bạn với bất kỳ ai: 

1. Xác định một điều ở đối phương khiến bạn trân trọng (ví dụ, “Bạn làm tôi cười”, “Bạn động viên, khuyến khích tôi”, “Bạn thật tốt”). Sau đó, bạn sẽ đổi vai trò với người đối diện. Và cứ thế lặp lại quá trình ít nhất là năm lần hoặc càng lâu càng tốt. 

2. Cũng với quy trình cũ nhưng lần này bạn chỉ xác định một điều mà bạn cảm thấy trân trọng ở bản thân mình. Sau đó bạn đổi lượt với đối phương. Thực hiện ít nhất năm lần hoặc càng lâu càng tốt.

2. Đong đầy những lời động viên 

Khi chúng ta trải qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống hay quyết định theo đuổi giấc mơ của mình, những người thân bên cạnh chính là nguồn cảm thông, khuyến khích, đứng về phía chúng ta, động viên cổ vũ để chúng ta tiếp tục tiến bước. 

Và thông thường, cách tốt nhất để bạn đong đầy cho mình những lời động viên, khuyến khích chính là việc gia nhập hay thành lập một nhóm gồm những thành viên thường xuyên gặp gỡ, với mục đích là chia sẻ nhằm giúp nhau không cảm thấy mặc cảm và tự ti về chính mình. 

Sự thật là tình yêu thương, sự cảm thông, quan tâm và chia sẻ của con người với nhau là những xúc cảm tự nhiên của niềm hạnh phúc đích thực. Nó chẳng những không có giới hạn nào đối với người thân hay bạn bè, mà nó còn được truyền tải đến toàn nhân loại. 

3. Nhìn nhận thế giới như một đại gia đình 

Sao anh lại có thể cười bình thản như thế được? 

Thưa cô, nụ cười là tất cả những gì tôi có thể trao tặng cho người khác. 

Bất kỳ bạn đi đâu: đến tiệm tạp hóa hay đến ngân hàng thì bạn cũng không biết trước được mình sẽ tiếp xúc với những người ra sao. Một số người trong đó có thể đang rất tuyệt vọng và chỉ bằng một nụ cười, một cách tiếp xúc thân thiện và chân thành – như cách người đàn ông mỉm cười đã làm – tôi nhận ra mình có thể giúp họ cảm thấy dễ chịu và vơi đi nỗi tuyệt vọng. Nụ cười là điều bạn luôn có thể trao tặng cho những người tình cờ gặp gỡ – và như thế cũng đã đủ. 

Nụ cười như là dấu hiệu của sự thân thiện và tình yêu thương. Một nụ cười thoáng qua cũng mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực. Dù bạn là ai hay bạn ở đâu thì một nụ cười chân thành chính là cầu nối cho mọi sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, chủng tộc… Nụ cười sẽ thắt chặt sợi dây gắn kết giữa mọi người. 

Mỗi ngày hãy dành những tình cảm thân thiết nhất cho những người mà bạn gặp, xem họ như cha, mẹ, hay những người bà con thân thuộc nhất của mình. Bất cứ ở đâu, ở nơi làm việc, khi đi mua sắm hay tham gia các nhóm sinh hoạt, khi đang thực hiện một mục tiêu nào đấy, bạn cũng hãy thể hiện sự thân thiện với mọi người. Hãy để mọi người cảm thấy họ được yêu thương, được trân trọng và bạn xem đó như một lựa chọn tích cực, khách quan với hy vọng mang điều kỳ diệu đến thế giới này. Cuối ngày, bạn hãy để ý xem mình cảm thấy thế nào. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra sau một ngày san sẻ buồn vui cùng những người mà mình gặp, bạn sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc và sự thanh bình cũng như khi bạn mong chờ sẽ mang lại những cảm xúc đó cho người khác. 

10. Kế hoạch hạnh phúc cho cuộc đời

Nếu muốn những thói quen hạnh phúc trở thành một phản xạ tự nhiên thì bạn cần phải rèn luyện và thực hành. Bộ não con người cần thời gian và sự rèn luyện để hình thành nên những rãnh khía mới giúp bạn tiến gần hơn với những cung bậc hạnh phúc. 

1. Ghi nhớ 3 nguyên tắc dẫn đường 

Nguyên tắc đầu tiên: “Điều gì khiến bạn mở lòng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn”

Nguyên tắc thứ hai “Thế giới xung quanh luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn” bằng cách đặt cho bản thân một câu hỏi bất kỳ khi nào thấy cần: “Những chuyện đang xảy ra có nhằm hướng đến một mục tiêu nào không? Và đó là gì?”. 

Nguyên tắc thứ ba – “Những điều bạn trân trọng đều đáng được trân trọng” – là dựa vào công thức: Ý định – Sự chú tâm – Không còn căng thẳng. 

- Ý định: Xác định rõ ràng những mục tiêu giúp bạn hướng về niềm hạnh phúc đích thực mỗi ngày. 

- Sự chú tâm: Duy trì động lực cho bản thân bằng cách thường xuyên tập trung vào mục tiêu hạnh phúc mà bạn đã chọn và rèn luyện trong những bài tập được nêu ra ở cuối mỗi chương. 

- Không còn căng thẳng: Trạng thái tĩnh tâm và thư thái đã hiện hữu trong chính con người bạn. Hãy thật thư giãn và tin tưởng rằng chúng đang được phát lộ trong bạn. 

Quá trình này giống như khi bạn trồng một loài hoa: bạn gieo hạt (ý định), bạn tưới nước và bón phân cho nó (sự chú ý) và sau đó bạn thư giãn (không căng thẳng) vì biết rằng sau một thời gian, bạn sẽ nhìn thấy những bông hoa tuyệt đẹp. 

2. Thực hiện những bước tiến chậm rãi, từ tốn 

Bạn không nhất thiết phải thực hiện những bước tiến xa để rút ngắn quá trình mà chỉ cần tiến hành từ tốn, chậm rãi và thường xuyên rèn luyện. 

3. Thiết lập hệ thống hỗ trợ 

Mọi người trên thế giới này chính là những tấm gương như trong Ngôi nhà gương ấy. Khi bạn nắm giữ được hạnh phúc đích thực, thế giới sẽ phản ánh niềm hạnh phúc đó trở lại chính bạn.

Bình luận
* Các email sẽ không được công bố trên trang web.
I BUILT MY SITE FOR FREE USING