Nhật ký sinh con tại Canada của một bạn trên facebook
Nguồn: https://www.facebook.com/minh.mel.9
Hành trình từ lúc bắt đầu mang thai đến khi nhận Giấy khai sinh và Passport.
1. Test thai:
- Đến phòng khám bác sỹ gia đình để xét nghiệm nước tiểu test thai (sau khi đã có kết quả test nhanh dương tính bằng que tại nhà).
- Ngay sau khi kết quả xác nhận có thai thì lập tức sẽ được gặp một bác sỹ (có thể là bác sỹ gia đình) để tư vấn các vấn đề sức khỏe trong quá trình mang thai và sinh em bé như chế độ dinh dưỡng, vitamin, tình trạng sức khỏe và tinh thần hiện tại của người mẹ (các vấn đề đang lo lắng nếu có như điều kiện tài chính, gia đình, trầm cảm….).
- Tại thời điểm này sẽ có 2 lựa chọn:
+ Đăng ký ngay một bác sỹ chuyên khoa sản để bắt đầu theo dõi và chăm sóc người mẹ mang thai cho đến ngày sinh, hoặc
+ Bác sỹ gia đình sẽ theo dõi và chăm sóc cho người mẹ mang thai trong 30 tuần đầu tiên, sau đó sẽ chuyển qua một bác sỹ chuyên khoa sản để tiếp tục chăm sóc cho đến khi sinh.
2. Gặp bác sỹ chuyên khoa sản để chăm sóc và theo dõi định kỳ:
- Tại lần gặp đầu tiên (thường là sau tuần thứ 12): bác sỹ sẽ kiểm tra thai và các chỉ số sức khỏe của người mẹ như cân nặng, huyết áp, mạch…. đồng thời chỉ định thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết.
- Lần gặp thứ hai (thường là sau lần gặp đầu tiên 6 tuần): bác sỹ cũng sẽ kiểm tra tương tự như lần đầu, thông báo các kết quả xét nghiệm và có thể chỉ định thực hiện các kết quả xét nghiệm chuyên sâu hơn nếu cần thiết.
- Tại các lần gặp tiếp theo về cơ bản bác sỹ cũng sẽ kiểm tra thai, theo dõi tình hình sức khỏe của người mẹ và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo từng giai đoạn của thai kỳ, tuy nhiên thời gian giữa các lần gặp bác sỹ sẽ rút ngắn dần xuống 4 tuần, 2 tuần….và hằng tuần khi bắt đầu vào gần cuối tháng thai kỳ.
3. Siêu âm một lần duy nhất tại bệnh viện:
- Người mẹ sẽ nhận được một lịch hẹn siêu âm tại bệnh viện trong khoảng thời gian từ tuần 21 đến tuần 23, mục đích của lần siêu âm này là để siêu âm tim và chụp hình ảnh tất cả các bộ phận cơ thể của thai nhi.
- Nếu trong lần siêu âm này em bé không xoay chuyển đủ để có thể chụp hết các hình ảnh cần thiết thì sẽ quay lại bệnh viện siêu âm thêm một lần nữa trong vài ngày sau đó để chụp các hình ảnh cần thiết còn thiếu.
- Cha mẹ có thể biết giới tính của thai nhi trong lần gặp bác sỹ tiếp theo sau khi siêu âm.
4. Nhập viện sinh em bé:
- Khi người mẹ có dấu hiệu sinh thì nhập viện và được bố trí vào phòng chờ.
- Sau đó sẽ được chuyển vào phòng sinh khi chuẩn bị sinh, tối đa hai người trong gia đình sẽ được phép có mặt tại phòng sinh ngay bên cạnh người mẹ trong quá trình sinh em bé.
- Ngay khi em bé lọt lòng mẹ thì bác sỹ sẽ cho người cha tự tay cắt dây rốn để bắt đầu một cuộc sống mới cho bé.
5. Theo dõi chăm sóc mẹ và bé tại bệnh viện:
- Thông thường nếu em bé sinh đủ tháng (từ 36 tuần trở lên) thì chỉ ở lại bệnh viện 2 ngày để theo dõi và kiểm tra. Hằng ngày sẽ có 1 y tá được phân công theo dõi và chăm sóc cho cả mẹ và bé (mỗi y tá sẽ chỉ phụ trách khoảng 2 – 4 bé trong mỗi ca trực).
- Nếu em bé sinh sớm hoặc có vấn đề về sức khỏe thì người mẹ sẽ xuất viện còn em bé sẽ được chuyển vào bộ phận chăm sóc đặc biệt (ICU) để chăm sóc theo dõi cho đến khi bé có thể tự bú được.
- Trong suốt thời gian ở lại bệnh viện thì ngoài chăm sóc y tế người mẹ còn được phục vụ thức ăn ngày 3 bữa và em bé sẽ được cung cấp toàn bộ những gì cần thiết như sữa, tả, quần áo, khăn….
- Khi em bé xuất viện thì bắt buộc phải được đặt trong một ghế ngồi chuyên dụng (car seat) dành riêng cho em bé nhỏ mới sinh (tại các nước phát triển thì trẻ em tùy vào từng độ tuổi mà phải ngồi trên một ghế chuyên dụng khi di chuyển trên ôtô), y tá sẽ kiểm tra car seat trước khi cho bé xuất viện.
6. Đăng ký sinh (Registration of Birth) và làm Giấy khai sinh (Birth Certificate) Canada:
- Ngày thứ hai sau khi sinh thì bệnh viện sẽ cung cấp mẫu đơn Đăng ký sinh và mẫu đơn xin cấp Giấy khai sinh cho em bé, các thông tin trên 2 mẫu đơn này phải chính xác và trùng khớp để có thể Đăng ký sinh và xin cấp Giấy khai sinh cho em bé. Tên em bé nên được thống nhất ngay thời điểm này để tránh phải điều chỉnh về sau.
- Mẫu đơn Đăng ký sinh đồng thời cũng có thể đăng ký Tiền trợ cấp trẻ em (Canada Child Benefit) và phải được nộp lại cho bệnh viện trước khi xuất viện. Đơn xin cấp Giấy khai sinh phải được nộp cho văn phòng Vital Statistics Agency tại địa phương trong thời gian sớm nhất để được cấp Giấy khai sinh cho bé. Tùy vào lưu lượng hồ sơ đăng ký sinh tại địa phương ít nhiều mà thời gian xử lý sẽ nhanh hay chậm, thông thường cũng phải khoảng 3 tháng sau mới nhận được Giấy khai sinh.
7. Xuất viện và đăng ký bác sỹ chuyên khoa nhi để theo dõi và chăm sóc y tế cho em bé:
- Sau khi xuất viện về nhà thì sẽ có một y tá cộng đồng (Public nurse) đến nhà hỗ trợ và hướng dẫn chăm sóc em bé. Tùy vào nhu cầu của người mẹ mà y tá cộng đồng sẽ tiếp tục đến nhà hỗ trợ ít nhiều sau đó.
- Nhanh chóng đăng ký một bác sỹ chuyên khoa nhi để bắt đầu đầu theo dõi và chăm sóc y tế cho em bé. Lần gặp bác sỹ đầu tiên là 2 tuần sau khi sinh, sau đó là các lần tiêm ngừa cần thiết và theo dõi quá trình phát triển của bé định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng….
8. Làm Passport Canada:- Giấy khai sinh do tỉnh bang cấp có giá trị pháp lý như giấy chứng nhận công dân Canada. Khi đã có Giấy khai sinh Canada thì có thể điền đơn xin cấp Passport Canada cho em bé.
- Đơn xin cấp Passport Canada cho em bé yêu cầu phải được cùng ký xác nhận bởi một Người bảo lãnh. Các yêu cầu cơ bản đối với Người bảo lãnh: phải là một công dân Canada tối thiểu 18 tuổi, phải quen biết người làm đơn xin cấp passport cho bé tối thiểu 2 năm, phải đang sở hữu một Passport Canada còn hiệu lực.
- Passport Canada cho em bé sẽ được cấp sau khoảng 2 tuần kể từ ngày nộp đơn, Passport có hiệu lực 5 năm.
9. Làm Giấy khai sinh và Passport Việt Nam:
- Liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada (thành phố Ottawa) để nộp Đơn xin cấp Giấy khai sinh và Passport Việt Nam cho em bé, thời gian xử lý khoảng 2 tuần.
Chi phí sinh con tại Canada:
- Được biết tổng chi phí chăm sóc y tế trong quá trình mang thai và một ca sinh thường tại bệnh viện trung bình khoảng 25,000 CAD.
- Nếu người mẹ có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân (Medicare – cấp cho người có quốc tịch, thường trú dân, work permit hoặc cũng có thể là study permit tùy theo mỗi tỉnh bang) thì toàn bộ chi phí mang thai và sinh con từ lúc test thai, chăm sóc và theo dõi thai kỳ, sinh con tại bệnh viện cho đến khi em bé được chăm sóc định kỳ bởi bác sỹ chuyên khoa nhi đều hoàn toàn miễn phí, thực chất là chính phủ Canada đã thanh toán tất cả chi phí này bằng tiền đóng thuế của người dân.
- Nếu người mẹ không có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân thì có thể mua bảo hiểm y tế tư nhân hoặc liên hệ các trung tâm chăm sóc bà mẹ và trẻ em tại địa phương như Midwives để được hỗ trợ.